Âm thanh là hiện tượng của tự nhiên, cụ thể là tiếng động hàng ngày quanh ta. Con người cảm nhận được âm thanh bằng thính giác qua tai nghe. Trong Vật lý học âm thanh có thể là tạp âm hay nhạc âm. Nhạc âm là yếu tố cơ bản của Âm nhạc được phát triển thành Nghệ thuật Âm nhạc, một trong những Nghệ thuật ra đời sớm nhất đồng hành cùng nhân loại đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Loài người thuở sơ khai cảm nhận những nhạc âm của môi trường tự nhiên vui tươi, hiền hòa, gần gũi với đời sống hàng ngày như suối chảy, sóng vỗ, lá reo, chim hót… rồi bắt chước tái hiện chúng bằng các dụng cụ thô sơ nhất để phục vụ trở lại cho đời sống lao động của mình. Đó chính là manh nha của Khí nhạc (Nhạc đàn - không lời) mà ngày nay được tạo ra (hòa nhạc) từ các nhạc cụ được chia thành bộ hơi, bộ dây, bộ gõ… trong Dàn nhạc Giao hưởng hiện đại.
Một loại nhạc âm khác do chính con người tạo ra từ dây thanh đới của mình là tiếng hát ru bản năng của người mẹ ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Đó cũng là yếu tố khởi thủy của Thanh nhạc (Nhạc hát - có lời) được phát triển vô cùng phong phú cho đến nay gồm các hình thức biểu diễn từ đơn ca đến hợp xướng đủ các bè cơ bản với các giọng nam, nữ, thiếu nhi và các vở thanh xướng kịch với các khúc hát đầy kịch tính đủ sức chuyển tải các nội dung rộng lớn và sâu sắc của đời sống xã hội.
Các yếu tố cấu thành của tác phẩm Âm nhạc hoàn chỉnh bao gồm Giai điệu, Nhịp điệu và Hòa âm. Đối với Thanh nhạc còn có thêm phần Ca từ. Giai điệu là chuỗi âm thanh có cao độ khác nhau diễn ra trên dòng thời gian nối tiếp được phân chia theo trường độ, từ đó kết hợp tạo ra Nhịp điệu (tiết tấu). Giai điệu được thể hiện bằng các loại nhạc cụ phím, dây, hơi hoặc giọng hát con người kèm theo phần Hòa âm của các loại nhạc cụ phối hợp khác. Nhịp điệu chủ yếu thuộc chức năng thể hiện, kết nối và dẫn dắt của bộ gõ. Tất cả tạo nên hiệu quả tổng hợp, khơi dậy cảm xúc đối với thính giác của con người.
Tác phẩm Âm nhạc có thể ghi lại hoàn chỉnh và đầy đủ trên giấy bằng các hệ thống ký âm khác nhau, phổ biến nhất và được quốc tế hóa hiện nay là phương pháp ký âm của Âm nhạc cổ điển Châu Âu. Sản phẩm Âm nhạc chân thực và trọn vẹn nhất đến với người nghe chính là âm thanh của các tác phẩm được phát ra và vang lên trong các buổi biểu diễn thực tế. Nghe Âm nhạc qua băng đĩa ghi âm theo công nghệ mới hiện nay chỉ là sự thưởng thức sản phẩm Âm nhạc gián tiếp mà thôi.
Hội họa là Nghệ thuật thị giác có lịch sử phát triển tương đồng với Âm nhạc là Nghệ thuật thính giác. Có thể lấy các yếu tố của Hội họa để minh họa rõ thêm cho Âm nhạc có phần trừu tượng hơn. Cụ thể: Giai điệu Âm nhạc tương thích với đường nét trong Hội họa; Tiết tấu Âm nhạc tương thích với độ sáng tối, đậm nhạt và bố cục chi tiết trong Hội họa; Hòa thanh của Âm nhạc tương thích với Hòa sắc trong Hội họa và dùng chung thuật ngữ “gam”… Rất nhiều Nhạc sĩ cũng là Họa sĩ. Nhạc của các Nhạc sĩ ấy đẹp như tranh và tranh của các Họa sĩ ấy hay như nhạc.
Người ta thường nói Âm nhạc là món ăn tinh thần, bồi bổ cho tâm hồn con người. Đã gọi là món ăn thì có thể liên tưởng đến lĩnh vực Ẩm thực với các đồ ăn, thức uống vô cùng đa dạng và phong phú của mọi dân tộc trên thế giới từ các nguyên liệu thực phẩm được chế biến và thưởng thức bằng đủ mọi cách, tạo ra các “gu” độc đáo riêng biệt. Có khác gì đâu khi món ăn Âm nhạc cũng từ chất liệu âm thanh riêng của các châu lục, vùng miền được các Nhạc sĩ và các Nghệ sĩ tìm tòi và chế biến (sáng tác), nấu nướng bằng các loại dụng cụ (nhạc cụ) tạo ra các bữa tiệc âm thanh vừa thân quen vừa mới lạ cho các thính giả khắp nơi say sưa thưởng thức. Cả hai lĩnh vực song hành qua thời gian, những gì không phù hợp sẽ bị đào thải, những gì tinh túy sẽ còn lại và tiếp tục nảy nở, nuôi dưỡng cuộc sống thể chất và tinh thần của chúng ta. Có thể kể ra các món ăn Âm nhạc được phân loại một cách tương đối như: Nhạc cổ điển, Nhạc nhẹ, Nhạc dân gian. Trong mỗi loại này lại được chia ra nhiều dòng, nhánh, phong cách, hình thức biểu diễn, đối tượng thưởng thức… mang các tên gọi khác nhau. Một tác phẩm Âm nhạc cũng có thể được xếp vào nhiều nhóm phân loại.
Âm nhạc không chỉ là “thức ăn” mà còn là “phương thuốc” kiến hiệu chữa lành nhiều thứ tâm bệnh, nâng đỡ trực tiếp cơ thể con người vượt qua những thời điểm khó khăn. Có nghiên cứu Y học đã xác định không chỉ trái tim mà cả dạ dày cũng biết hòa nhịp và hòa âm với tiếng đàn, giọng hát. Tất nhiên, một khi đã coi Âm nhạc như “thực phẩm” và “dược phẩm” trong đời sống thì cũng cần phải học cách sử dụng sao cho đúng mức, đúng lúc và đúng chỗ. Ngoài ra Âm nhạc còn là “phương tiện” cởi mở và thân thiện giúp chúng ta tự tin trong giao tiếp, ứng xử với đối tác, bạn bè trong nước và quốc tế.
Ai là người có khả năng tham gia hoạt động Âm nhạc? Có thể khẳng định ngay đó là tất cả mọi người trên trái đất. Tất cả chúng ta vừa sinh ra đã là thính giả thưởng thức hát ru; mỗi người mẹ đồng thời là một ca sĩ; khi vào trường tiểu học hiện nay là học trò môn Âm nhạc phổ thông; lớn lên theo hướng nghiệp, một số vào trường đào tạo Âm nhạc chính quy để trở thành những người sáng tác, chỉ huy, biểu diễn, lý luận, phê bình chuyên nghiệp, những người này lại là nguồn nhà giáo đào tạo thế hệ Âm nhạc tương lai. Và khi Âm nhạc ngày nay trở thành một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận, đóng góp cho nền kinh tế đất nước thì có ngay những nhà chuyên sản xuất và kinh doanh Âm nhạc…
Giới hạn trong phạm vi sáng tác, biểu diễn và thưởng thức Âm nhạc thì Nhà soạn nhạc, nhạc sĩ sáng tác là người sáng tạo thứ nhất, nhạc công cùng ca sĩ là những người sáng tạo thứ hai và thính giả là những người sáng tạo thứ ba. Khi thưởng thức một tác phẩm khí nhạc không lời với tiêu đề thường chỉ là con số kèm tên điệu thức (cung) như các bản giao hưởng của các nhà soạn nhạc cổ điển Châu Âu thì mỗi người nghe tùy theo tâm trạng, kiến thức, không gian, thời gian, hoàn cảnh, vị thế của mình mà tưởng tượng ra một bức tranh Âm nhạc với nội dung tư tưởng và tình cảm khác nhau. Đó chính là sự kỳ diệu của Nghệ thuật Âm nhạc mà các nghệ thuật khác không có. Không những thế Âm nhạc còn hỗ trợ và song hành cùng các nghệ thuật khác trong sự thể hiện nội dung và hình thức như điện ảnh, sân khấu, múa. Nhiều bộ phim qua thời gian bị lãng quên nhưng các ca khúc trong phim còn sống mãi cùng năm tháng.
Để kết luận khái quát về Âm nhạc và sự hữu ích của Âm nhạc trong đời sống có thể dẫn ra câu nói của Văn hào Đan Mạch Hans Christian Andersen: “Ở đâu ngôn từ bất lực thì ở đó Âm nhạc sẽ cất lên!”.
---Tác Giả: Nhạc Sĩ Hà Thanh Hiển------