Học Nhạc Có Nên Là Một Trải Nghiệm

Âm nhạc là món quà tuyệt vời của tạo hóa dành cho loài người nhưng không phải sẵn có ngay và ai cũng nhận được đều nhau. Mỗi người sinh ra luôn có  phần “Nhạc” cho mình ở mức thuần chất, đơn sơ nhất, rồi từ đó tự cảm nhận và chế tác thêm thành của bản thân mình. Món quà ấy hoặc giống với của mọi người, hoặc không giống của ai nhưng đều vô cùng quý báu. Bất cứ ai vì lý do gì không được hưởng hoặc bỏ lỡ cơ hội này đều là người bị thiệt thòi rất lớn. 

Nhạc - Âm Nhạc - Nghệ thuật Âm nhạc là cách nói vừa chung vừa riêng ở các mức độ khác nhau như một ngôi tháp nhiều tầng càng lên cao càng có xu hướng thu nhỏ lại và tinh xảo hơn. Từ chân tháp lên đỉnh tháp là một khoảng cách tuy xa mà không cách của một công trình chung. Mỗi người dù đang ở tầng nào trong ngôi tháp đó đều được trân quý như nhau nếu chúng ta đều là những “Người Yêu của Nhạc - Âm nhạc - Nghệ thuật Âm nhạc”.

Bài viết ngắn này chỉ xin được giới hạn trong việc “Học Nhạc” ở tầng nền của  ngôi tháp quý nêu trên. Chúng ta không tin việc một đứa trẻ được bố mẹ thử cho chọn cầm các đồ vật trong lễ thôi nôi, thấy tay nó vơ phải chiếc đàn đồ chơi mà bảo nó lớn lên sẽ theo nghề Nhạc nhưng chúng ta hoàn toàn tin một cô bé, cậu bé tầm tuổi mẫu giáo khi lần đầu tiếp xúc với cây đàn, ống sáo đều muốn tự mình thử xem nó “kêu” ra sao? Đó chính là một trong những trải nghiệm bản năng tự nhiên đầu tiên với Nhạc. Trong chương trình Tiểu học Phổ thông hiện nay Âm Nhạc đã là môn học chính thức không còn là nhu cầu trải nghiệm tự nguyện nữa. Đó là điều rất đáng mừng cho tuổi trẻ nước ta ngày nay. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ theo các nghề nghiệp khác nhưng hát nhạc Pop rất hay và ngồi bên đàn Piano chơi bằng cả hai tay khá điệu nghệ. Có bạn nào mà không thích được như thế? Làm sao có thể được như vậy? Khó không? Học ở đâu? Mất nhiều thời gian và chi phí không? … Đó là những câu hỏi thường được đặt ra.

Điều kiện để trải nghiệm việc học Nhạc ở mức sơ khởi trước hết là sự ham hiểu biết dần tiến tới niềm đam mê cùng với năng khiếu ở các mức khác nhau nhưng không đến nỗi phải cường điệu lên như là điều thiên phú.

Cũng có nhiều người lớn tuổi do thời nhỏ của họ không có điều kiện học Nhạc thì bây giờ họ quay trở lại mầy mò tự học qua bạn bè, con cháu, trên internet hoặc đến các trường lớp Âm Nhạc ngắn hạn phù hợp với điều kiện của mình. Hiện nay nhiều Xã có đội kèn, nhiều Phường có đội đồng ca. Thành viên của các đội ấy phần lớn là người lớn tuổi được các Nhạc công, Ca sĩ chuyên nghiệp đến hướng dẫn rất chính quy và nhiệt tình.

Âm nhạc dễ kết nối với các môn Khoa học bởi nó cũng chính là một phần của Khoa học về Âm thanh. Nhiều nhà Toán học, Vật lý học sau giờ làm việc lại đến với Âm nhạc như nhà bác học vĩ đại Albert Einstein luôn gắn bó với người bạn thân thiết của ông là cây Violon. Ở nước ta, cố Nhạc sĩ Phó Đức Phương trước khi trở thành Nhạc sĩ nổi tiếng đã là một người thầy dạy Toán giỏi. Âm nhạc thực sự là một trải nghiệm cho thấy nó không chỉ dừng lại ở niềm vui giải trí đơn thuần mà còn nâng đỡ thậm chí chuyển hướng sự nghiệp trong cuộc đời của một người.

Trải nghiệm theo cách hiểu chung đơn giản là thử trải qua và cảm nhận, nếu yêu thì tiến tới, nếu không thì chia tay nhưng vẫn lưu giữ được mãi những gì tốt đẹp của mình qua mỗi lần như vậy. Ở ngôi tháp nêu trên, nền và một vài tầng dưới nghiêng về sự trải nghiệm, các tầng cao tới đỉnh không còn là trải nghiệm nữa mà là sự gắn bó yêu thương sống chết đến tận cùng với Nghệ thuật Âm nhạc. Câu hỏi “Học Nhạc có nên là một trải nghiệm?” xin được để ngỏ cùng các bạn chưa yêu, mới yêu và đang yêu. Rất mong chúng ta sẽ mãi luôn cùng nghĩ và cùng nói “ I L M ”.           

                            

                                Âm Nhạc như ngọn Tháp Ngà

                                Lung linh cao tít từ xa khó gần 

                                Với mình là Mái Nhà thân

                                Cho Anh yêu mãi một lần cùng Em

----- Tác Giả: Nhạc Sĩ Hà Thanh Hiển ----------

Đăng ký
0764901008
Zalo
Tin nhắn